Trà xanh là một thành phần cực kỳ phổ biến trong mỹ phẩm. Vậy thành phần này có gì đáng chú ý mà lại phổ biến như vậy? Hãy cùng tìm hiểu qua bài này nhé !
I) Giới thiệu
II) Thành phần hóa học của Trà Xanh
Các flavanol khác có trong chiết xuất trà xanh còn được gọi là catechin, chiếm tới 20–30%. Các catechin này chịu trách nhiệm về hương vị của trà: vị đắng và vị chát [3]. Thành phần của trà có thể thay đổi tùy thuộc vào quá trình lên men được áp dụng. Ví dụ như trà đen chứa (−)-epigallocatechin gallate (EGCG), (−)-gallocatechin gallate (GCG), (−)-gallocatechin (GC), (+)-catechin (C), (−)-epicatechin (EC), gallate (−)-epicatechin (ECG) and (−)-epigallocatechin (EGC). Ngược lại, trà xanh rất giàu EGCG - nồng độ cao nhất, ECG, EC và EGC [5-7].
Sự khác biệt trong thành phần của hai loại trà phổ biến nhất này liên quan chặt chẽ đến quy trình sản xuất. Để có được trà xanh, lá Camellia sinensis mới thu hoạch được xử lý bằng hơi nước nóng để ngăn chặn quá trình lên men và sau đó được sấy khô. Mặt khác, trà đen được sản xuất từ lá, đầu tiên được sấy khô, sau đó cán, xay và cuối cùng là lên men. Đây là quá trình lên men bằng cách oxy hóa polyphenol được kích hoạt bởi ảnh hưởng của polyphenol oxidase [8]. Quá trình này dẫn đến việc chuyển đổi các flavonoid đơn giản (catechin) thành các cấu trúc phức tạp hơn, như thearubigin (TR), theaflavins (TF) và theobrownin (TB) [5-7].
Do đó, nồng độ catechin tỷ lệ nghịch với mức độ xử lý của lá [9]. Hàm lượng cao nhất của chúng đã được ghi nhận trong trà xanh, sau đó trong trà ô long và trong trà đen là ít nhất, đó là do quá trình lên men của từng loại trà [5]. Mặt khác, trà đen là một nguồn giàu TR và TF, theasinensins và các hợp chất phenolic cô đặc khác. TR tạo cho nước pha trà đen có mùi vị và màu đỏ đen. Ngược lại, theaflavins tạo ra màu vàng vàng của chiết xuất trà xanh trong nền nước [10].
Catechin là những hợp chất tốt nhất có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều thông tin về cấu trúc hóa học và đặc tính dược lý của các liên hợp catechin, vì chúng rất khó xác định và phân lập từ lá trà. Tuy nhiên, một số theaflavins đã được xác định trong chiết xuất trà và bao gồm: 3-3’-theaflavin digalusate (TF3), theaflavin 3-gallate (TF2B), theaflavin 3-gallate (TF2A) và theaflavin (TF1) [11].
Các loại trà khác nhau cũng là nguồn cung cấp dồi dào các hợp chất phenolic đơn giản (Gallic Acid - GA, P-coumaric Acid và Caffeic Acid) và các dẫn xuất của chúng: Theogaline và Chlorogenic Acid [21–24]. Các hợp chất khác có trong trà bao gồm purine alkaloids (theophylline, theobromine và caffeine (theine)), amino acid, theanine, carbohydrates, lipids (linoleic acid và linolenic acid), các hợp chất dễ bay hơi, sắc tố (carotenoid và chất diệp lục), vitamin (A, C, E, K và B) và chất diệp lục [12]. Nó cũng chứa nhiều nguyên tố khoáng như sắt, kẽm, natri, magie, crom, phốt pho, kali, titan, mangan, niken, đồng, nhôm, bạc và brom [12]. Cấu trúc của các catechin và theaflavins chính của trà được trình bày trong Hình 1 [52].
Hình 1. Cấu trúc hóa học của các chất chuyển hóa thứ cấp chính có trong lá trà [52]
III) Ứng dụng của chiết xuất trà trong mỹ phẩm
Các chất chiết xuất từ trà xanh có phổ hoạt tính sinh học rộng, khiến chúng trở thành thành phần quý giá không chỉ cho các ứng dụng dược phẩm mà còn cho ngành mỹ phẩm. Các công dụng thường gặp như: chống oxy hóa, bảo vệ quang, chống khối u, giảm béo, cải thiện tình trạng vi tuần hoàn trên da và trên tóc.
3.1) Hoạt động sinh hóa da
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể con người, chiếm khoảng 15% trọng lượng. Nó được cấu tạo bởi ba lớp: biểu bì, hạ bì và mô dưới da. Lớp biểu bì được cấu tạo chủ yếu từ hai loại tế bào: tế bào sừng và tế bào đuôi gai. Hình thái và vị trí của các tế bào sừng tạo điều kiện cho cấu trúc của biểu bì thành bốn lớp: stratum germinativum (tế bào sừng, bao gồm cả lớp tế bào đáy), stratum spinosum (lớp tế bào vảy), stratum granulosum (lớp tế bào hạt) và lớp sừng (lớp tế bào sừng hoặc lớp sừng) [13]. Biểu bì là một lớp liên tục đổi mới và làm phát sinh các cấu trúc phái sinh, chẳng hạn như bộ máy tuyến bã nhờn, móng tay và tuyến mồ hôi. Các tế bào trải qua các chu kỳ tăng sinh và liên tục cung cấp các tế bào mới cho lớp biểu bì bên ngoài. Biểu bì là một lớp động, trong đó các tế bào chuyển động không đồng bộ liên tục, không ngừng biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau [14]. Mỗi lớp da sở hữu những chức năng khác nhau và được cung cấp dưỡng chất khác nhau. Tác dụng của cây chè và các thành phần hoạt tính của nó khác nhau tùy thuộc vào lớp da:
Ở lớp sừng, tác dụng này phần lớn là do hoạt tính chống oxy hóa mạnh của chiết xuất trà xanh. Ở các lớp sâu hơn của da, các polyphenol trong trà có tác dụng chống lại bức xạ tia cực tím và bảo vệ các hoạt động của các enzym khác nhau. Bằng cách ức chế lipoxygenase, metalloproteinase, hyaluronidase và collagenase, trà và các chất chiết xuất của nó làm chậm đáng kể các dấu hiệu lão hóa da. Điều này là do các enzym này có tác động phá hủy các lipid trong màng tế bào, chẳng hạn như hyaluronic acid, elastin và collagen, là những thành phần quan trọng đối với da [14].
Ở lớp hạ bì, các hợp chất này cải thiện vi tuần hoàn và tình trạng của các mạch máu, dẫn đến việc cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho da tốt hơn. Hơn nữa, polyphenol có tác dụng bảo vệ vitamin C, vì chúng ngăn chặn quá trình oxy hóa của vitamin C. Đây là một vấn đề quan trọng theo quan điểm thẩm mỹ, vì vitamin C tham gia vào quá trình tổng hợp collagen, một loại protein chính của mạch máu và da [14].
Các polyphenol trong trà có tác động đến việc ức chế giải phóng histamine. Các polyphenol này cũng ngăn chặn quá trình oxy hóa adrenaline (chất làm co mạch máu), gián tiếp củng cố mạch máu. Vì nếu mức độ của hormone adrenaline này trong máu quá thấp sẽ dẫn đến sự suy yếu của các mạch máu do các cơn co thắt ngắn và thường xuyên. Ngoài ra, polyphenol cải thiện lưu lượng máu thông qua việc ức chế kết tập tiểu cầu theo các cơ chế khác nhau, ví dụ, bằng cách cản trở hoạt động phân giải protein của thrombin và ức chế hoạt động của tyrosine kinase [15]. Theo Lee và các đồng nghiệp nghiên cứu, EGCG và catechin trong trà xanh là hai enzym chính chịu trách nhiệm kết tập tiểu cầu bởi chúng ức chế đáng kể việc sản xuất cyclooxygenase (COX)-1 và thromboxane synthase (TXAS) trong tiểu cầu. Điều đáng nói là tác dụng này của EGCG thậm chí còn mạnh hơn so với aspirin (thuốc chống viêm không steroid, thường được sử dụng để ức chế kết tập tiểu cầu liên quan đến bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch) [16].
Các polyphenol trong trà có hoạt tính chống viêm, giúp cải thiện đáng kể vi tuần hoàn của da bằng cách ức chế các oxit nitric, prostaglandin, thromboxan và leukotrienes… Đây là những chất trung gian gây viêm đã được tìm thấy khi nghiên cứu sử dụng các chất chiết xuất từ trà xanh [16, 17].
3.2) Hoạt động chống Oxy hóa
Đặc tính chống oxy hóa của các hợp chất polyphenolic đã được biết đến rộng rãi và đã được mô tả trong nhiều bài báo khoa học [5]. Do cấu trúc của chúng, hoạt động chống oxy hóa của polyphenol có thể liên quan đến hầu hết các phenol, tuy nhiên, người ta đã chứng minh rằng dạng aglycones chống oxy hóa mạnh hơn các glycoside tương ứng của chúng [18]. Tất cả các catechin trong trà được mô tả là chất chống oxy hóa rất mạnh dựa trên các nghiên cứu in vitro [19] và in vivo [20]. Và bạn có biết fact này chưa nè?! Xếp sau nước, trà là thức uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Các catechin trong trà được coi là chất chống oxy hóa quan trọng nhất có trong chế độ ăn uống của con người [5].
Tác dụng của catechin trong trà đối với các gốc tự do là đa hướng và bao gồm [5]:
• Dập tắt trực tiếp các loài phản ứng oxy (ROS - Reactive Oxygen Species) và nitơ (RNS - Reactive Nitrogen Species);
• Liên kết các nguyên tố vi lượng có liên quan đến việc tạo ra các gốc tự do (ví dụ đồng hoặc sắt) bằng liên kết chelation - một loại liên kết của các ion và phân tử với các ion kim loại. Nó liên quan đến sự hình thành hoặc hiện diện của hai hoặc nhiều liên kết tọa độ riêng biệt giữa một phối tử polydentate và một nguyên tử trung tâm duy nhất.
• Tăng cường sản xuất các enzyme chống oxy hóa nội sinh: SOD - Superoxide Dismutase và glutathione.
• Ức chế các enzym tham gia vào quá trình tạo ROS
• Bảo vệ và tái tạo các hợp chất chống oxy hóa (vitamin C, vitamin E)
Đặc tính chống oxy hóa của trà là ứng dụng phổ biến nhất trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Các gốc tự do có thể kích hoạt các phản ứng dây chuyền, gây ra thiệt hại cho các đại phân tử sinh học như protein, lipid và axit nucleic, dẫn đến kết quả rất có hại cho da và gây lão hóa da nên việc chống lại các gốc tự do này vô cùng quan trọng. Oxy hóa là một trong những quá trình quan trọng nhất quyết định sự lão hóa da, nên các chất chống oxy hóa tự nhiên được coi là yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn chặn quá trình này [21]. Polyphenol có khả năng bảo vệ và phục hồi hàm lượng của vitamin C, là một co-enzym quan trọng trong việc sản xuất collagen - một loại protein quan trọng chịu trách nhiệm về độ đàn hồi của da, xây dựng cấu trúc của nó cùng với elastin và keratin [14]. Các thành phần khác của cây chè như các vitamin, lipid và sắc tố diệp lục cũng có thể cung cấp các lợi ích bổ sung cho da, như tác dụng dưỡng ẩm và bảo vệ [4,21].
3.3) Hoạt động bảo vệ quang
Bức xạ UV (UV có bước sóng 280–400 nm) có thể rất bất lợi cho da. Có những bằng chứng chỉ ra rằng UV gây ra chất sinh ung thư da theo nhiều cơ chế, bao gồm tổn thương DNA trực tiếp và gián tiếp gây ra bởi ROS. Tia UV cũng ức chế hệ miễn dịch ở da, cho phép các tế bào loạn sản không bị phát hiện và tiến triển thành khối u [22]. (Loạn sản là sự biến đổi về mặt tế bào trong dạ dày và tùy theo mức độ loạn sản khả năng ung thư hóa cao hoặc thấp). Tác dụng gây độc gen và gây độc tế bào của UV trên da đã được ghi nhận rõ ràng và kết quả là có thể dẫn đến ung thư da ác tính. Ở Anh, có hơn 40.000 ca ung thư da mới mỗi năm, trong đó 10% là u ác tính, với nguy cơ tử vong đáng kể [23]. Do đó, nhu cầu tìm các chất bảo vệ quang hiệu quả, ít tác dụng phụ, và có sẵn trong tự nhiên là rất cần thiết.
Chiết xuất lá trà đã được tìm thấy như một chất hấp thụ bức xạ tia cực tím, do đó nó bảo vệ da chống lại các tác hại của UV. Đây là một thành phần của mỹ phẩm bảo vệ quang cực kỳ phù hợp cho sử dụng chăm sóc da hàng ngày. Ngoài ra, các hợp chất polyphenolic có trong trà có hoạt tính chống oxy hóa mạnh (đã được đánh giá ở trên), giải quyết hết các gốc tự do khác nhau được tạo ra trong quá trình bức xạ tia cực tím. Chiết xuất trà và các hợp chất hoạt tính mà chúng chứa ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong mỹ phẩm chống nắng. EGCG ngăn chặn các tác động xấu của bức xạ UV lên da, thông qua việc ức chế các collagenase, đặc tính chống viêm và chống ung thư đối với các tế bào da. Những phát hiện gần đây cho thấy rằng chiết xuất trà xanh nên được kết hợp với oxit kẽm và titanium dioxide trong các chế phẩm chống nắng. Sự kết hợp này giúp tăng khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVA và UVB. Lưu ý là nếu chỉ sử dụng chiết xuất trà thì chỉ chống lại được mỗi bức xạ UVB thôi nhe [24].
Gần đây, một số nghiên cứu đã xác nhận rằng khi uống hoặc bôi tại chỗ chiết xuất trà và các thành phần hoạt tính của nó, sẽ có tác dụng bảo vệ da chống lại tia UV một cách hiệu quả. Morley và các đồng nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiêu thụ 540 mL chiết xuất trà xanh đã ức chế đáng kể tổn thương do UV gây ra đối với các tế bào máu ngoại vi. Hơn nữa, dữ liệu in vivo thu được đã được xác nhận trong các thí nghiệm in vitro, trong đó EGCG đã được chứng minh là làm giảm sự phá hủy DNA trong tế bào sợi và tế bào sừng gây ra bởi tia UV [23]. Mnich và các đồng nghiệp điều tra tiết lộ rằng việc bôi kem dưỡng da điều trị có chứa 4% chiết xuất trà xanh lên các vùng da được chiếu tia UVB (100 mJ/m2) làm giảm đáng kể biểu hiện P53 do tia UV gây ra trong tế bào sừng. (P53 đóng vai trò bảo vệ chống lại apoptosis(*) do tia cực tím và cisplatin(*) gây ra trong quá trình sửa chữa các nguyên bào sợi thành thạo). Số lượng tế bào sừng apoptotic cũng giảm đáng kể.
Chú thích:
* apoptosis: Apoptosis, hay còn gọi là chết tế bào theo chương trình, là một quá trình diễn ra tự nhiên trong cơ thể. Nó liên quan đến một chuỗi các bước được kiểm soát trong đó các tế bào báo hiệu sự tự kết thúc, nói cách khác dễ tưởng tượng hơn là các tế bào của bạn tự sát. Apoptosis là một cách để cơ thể kiểm tra và cân bằng quá trình phân chia tế bào tự nhiên của quá trình nguyên phân hoặc tiếp tục phát triển và tái tạo tế bào.
* cisplatin: Cisplatin là hợp chất của platin gồm 1 nguyên tử platin nối với 2 nguyên tử clo và 2 phân tử amoniac ở vị trí cis, có tác dụng độc với tế bào, chống u và thuộc loại các chất alkyl hóa.
Các tác giả kết luận rằng việc thoa kem dưỡng da giàu chiết xuất trà xanh ngay cả ở liều lượng thấp cũng có thể làm giảm suy giảm biểu mô qua trung gian UVB. Do đó chiết xuất trà xanh được coi là chất bảo vệ quang hóa phù hợp sử dụng hàng ngày [25]. Một nghiên cứu là một thử nghiệm mù đôi đối chứng với giả dược. Thí nghiệm cho thấy rằng việc thoa trà xanh lên vùng da được chiếu tia UV làm giảm 22% sự nhuộm màu CD1a so với da không được chiếu bức xạ. Hơn nữa, việc sử dụng trà xanh làm giảm đáng kể tổn thương DNA oxy hóa do UV gây ra. Tác nhân này được đặc trưng bởi SPF 1, nên kết luận rằng hoạt động bảo vệ quang của chúng đối với hệ thống miễn dịch của da không liên quan đến sự hấp thụ tia UV trực tiếp hoặc tác dụng “chống nắng” của chúng.
Tác dụng bảo vệ quang của trà xanh có thể được tăng cường khi sử dụng kết hợp với một chiết xuất thảo dược khác. Thị trường có rất nhiều công thức chăm sóc da có chứa các hỗn hợp chiết xuất thực vật khác nhau với để mang lại hiệu quả cao hơn cho da. Tuy nhiên, cho đến nay rất ít nghiên cứu khẳng định tác dụng tại chỗ của chúng. Một trong những loài thực vật được nghiên cứu kết hợp với trà xanh trong công thức mỹ phẩm là Ginkgo biloba, được chứng minh là làm tăng đáng kể hoạt động bảo vệ quang của chiết xuất trà xanh. Công thức tại chỗ chứa 6% khối lượng của mỗi chiết xuất (chiết xuất từ trà xanh và Ginkgo biloba glycolic) được thử nghiệm trên da lưng của 24 con chuột bạch tạng đực không lông trong hai các khu vực khác nhau với 5 mg/cm2, thoa 15 phút trước khi chiếu tia UVA/UVB. Nghiên cứu cho thấy sự kết hợp của cả hai chiết xuất làm giảm đáng kể các tổn thương da như: khô da, kích ứng da, hiện ban đỏ da, hình thành tế bào cháy nắng và tăng sản biểu bì... do tia UV gây ra. Hiệu quả này mạnh hơn nhiều so với việc sử dụng trà xanh và Ginkgo biloba riêng lẻ. Hoạt động bảo vệ quang của cả hai chiết xuất thảo mộc không phải do khả năng hấp thụ tia cực tím của chúng, mà là do các hiệu ứng sinh học gây ra trên da, và các hiệu ứng này càng mạnh hơn nữa nếu kết hợp cả hai chiết xuất với nhau [26].
Nhìn chung, các mô hình động vật khác nhau và các nghiên cứu trong ống nghiệm xác nhận rằng việc điều trị tại chỗ bằng polyphenol trong trà xanh làm giảm phản ứng viêm do tia UVB, ức chế miễn dịch và chống oxy hóa. Nó cũng được chứng minh rằng việc sử dụng EGCG ngoài da làm giảm sản xuất interleukin ức chế miễn dịch (IL)-10 ở vùng da được chiếu tia UV và làm tiêu các hạch bạch huyết. Hơn nữa, các nghiên cứu được thực hiện trên động vật cho thấy rằng bôi catechin trà xanh tại chỗ trước khi tiếp xúc với tia UVB giúp bảo vệ chống lại sự ức chế miễn dịch do UV gây ra [27].
3.4) Đặc tính chống cellulite và giảm béo
Cellulite là chứng loạn dưỡng mỡ gynoid, thường được gọi là 'hiệu ứng vỏ cam', là một chứng bệnh điển hình của phụ nữ, chủ yếu xuất hiện trên đùi và mông [28]. Cellulite là hiện tượng phổ biến, được hình thành khi mô mỡ dưới da phình ra và tạo sự không bằng phẳng trên bề mặt da. Dấu hiệu nhận biết cellulite bằng mắt là khi thấy da sần vỏ cam, thường xuất hiện ở vùng đùi, bụng, mông và chủ yếu gặp ở phụ nữ trưởng thành. Đây là một rối loạn phức tạp trong đó hệ thống vi tuần hoàn và bạch huyết cũng như chất nền ngoại bào có liên quan. Do tăng phân giải lipid nên dẫn đến tăng sản xuất diglyceride, monoglyceride, axit béo tự do và glycerol. Dẫn đến kết quả là lượng mỡ dưới da dư thừa, phình ra vào lớp hạ bì và tạo thành một hình ảnh đặc trưng, đấy là hiện tượng cellulite như Hình 2 [53].
Hình 2. Hiện tượng cellulite ở da người [53]
Do hàm lượng alkaloid có trong trà cao nên trà được sử dụng rộng rãi trong sản xuất mỹ phẩm chống cellulite. Chất chính trong alkaloid ở đây là caffeine (còn được gọi là theine) kích thích vi tuần hoàn trên da, cải thiện quá trình oxy hóa tế bào và tăng tốc độ đốt cháy chất béo trong tế bào da. Vì vậy, các chế phẩm mỹ phẩm có chứa chiết xuất từ trà được sử dụng để duy trì vóc dáng mảnh mai, giảm cellulite và loại bỏ các sản phẩm độc hại ra khỏi cơ thể. Không chỉ alkaloid mà cả polyphenol cũng rất hiệu quả trong việc giảm cellulite. Catechin được mô tả là có tác dụng ức chế quá trình glycation và oxy hóa protein, do đó ngăn ngừa sự hình thành cellulite, một trong những triệu chứng của lão hóa da. Do đó, trà là một thành phần phổ biến trong các mỹ phẩm với đặc tính làm săn chắc, giảm béo và chống cellulite [29]. Caffeine ảnh hưởng đến cơ chế hình thành cellulite theo những cách khác nhau. Điều quan trọng nhất là tăng tốc phân giải lipid thông qua ảnh hưởng đến bài tiết catecholamine và do đó làm tăng tổng hợp cAMP trong tế bào mỡ và kích hoạt lipase nhạy cảm với hormone. Điều này ức chế sự tích tụ chất béo bằng cách gia tăng sự phân hủy của chất béo trung tính và do đó làm giảm cellulite [28].
Pires-de-Campos và các đồng điều tra viên đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc thoa gel tại chỗ với caffeine bằng cách sử dụng ba mô hình khác nhau: gel có xử lý bằng sóng siêu âm, gel với 5% caffeine và gel với caffeine đã được xử lý bằng sóng siêu âm. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách sử dụng gel bôi ở lợn và bôi hàng ngày trong vòng 15 ngày. Nghiên cứu cho thấy rằng mô hình sử dụng caffeine và sóng siêu âm là hiệu quả nhất. Độ dày của mô mỡ dưới da, tổn thương của tế bào mỡ và số lượng tế bào đã giảm đáng kể [30]. Velasco và các đồng nghiệp cũng đã nghiên cứu hiệu quả của việc bôi tại chỗ (trong 21 ngày) của nhũ tương có chứa caffeine đối với đường kính tế bào mỡ và số lượng tế bào mỡ khi sử dụng cho chuột. Nghiên cứu cho thấy rằng caffeine có chứa nhũ tương làm giảm 17% đường kính của các tế bào mỡ [31]. Byun và các đồng nghiệp đã đánh giá hiệu quả của loại kem giảm béo có chứa 3,5% caffeine và xanthenes nền nước trong việc điều trị cellulite. 15 đối tượng bị cellulite bôi kem giảm béo vào đùi và mặt trong của cánh tay 2 lần/ngày, liên tục trong 6 tuần. Hiệu quả được đánh giá bằng cách sử dụng hình ảnh tiêu chuẩn, sự thay đổi của đùi và cánh tay và đánh giá cảm nhận của tình nguyện viên. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy cải thiện đáng kể tình trạng da và giảm cellulite (19,8% trong thang điểm chuẩn trực quan), vòng đùi và bắp tay lần lượt giảm 0,7 cm (1,7%) và 0,8 cm (2,3%) ở tuần thứ 6 và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận [32].
Tất cả các dữ liệu thực nghiệm nêu trên đều khẳng định rằng caffeine, một alkaloid chính có trong lá trà, là tác nhân giảm cellulite hiệu quả. Khi bôi tại chỗ, nó ức chế sự tích tụ chất béo trong lớp hạ bì và giảm số lượng tế bào mỡ. Do đó, các công thức mỹ phẩm có chiết xuất từ trà hoặc caffeine có thể là những sản phẩm rất hiệu quả trong việc giảm cellulite trên da và cải thiện vóc dáng.
Không chỉ caffeine, mà polyphenol trong trà cũng hiệu quả trong việc giảm cellulite và làm thon gọn vóc dáng [5]. Uống cũng như bôi các chất chiết xuất từ trà được mô tả là có tác dụng giảm trọng lượng và giảm hàm lượng mô mỡ. Hơn 24 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược được thực hiện trên bệnh nhân béo phì cho thấy rằng tiêu thụ 600–900 mg polyphenol trong trà mỗi ngày (tương đương với 3-4 tách trà xanh) làm giảm đáng kể tổng lượng mỡ bụng, giảm triglyceride trong huyết thanh, tăng tiêu hao năng lượng, oxy hóa chất béo và cải thiện sự bài tiết lipid trong phân. Kết quả là các bệnh nhân giảm cân đáng kể và giảm cả mô mỡ ở da [33, 34]. Các nghiên cứu in vivo cũng được thực hiện trên các mô hình động vật khác nhau cho thấy rằng việc tăng lượng chiết xuất trà hoặc các thành phần hoạt tính của nó làm giảm đáng kể sự tích tụ lipid ở gan, giảm trọng lượng mô mỡ trắng và điều chỉnh giảm hơn 100 gen liên quan đến phản ứng viêm mô [34].
Mặc dù có nhiều sản phẩm mỹ phẩm để điều trị cellulite có chứa các chiết xuất từ trà khác nhau, nhưng hầu như không có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của polyphenol trong trà điều trị triệt để cellulite. Hiệu quả của chúng đối với việc giảm cellulite chủ yếu dựa trên các đặc tính của chúng để điều trị béo phì, giảm cân, giảm vòng eo và cải thiện sự sinh nhiệt [35]. Do đó, cần phải thực hiện các nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của polyphenol trong trà lên cellulite, cả bằng đường uống và đặc biệt là tại chỗ. Mặc dù polyphenol trong trà không được nghiên cứu về hoạt động chống cellulite, nhưng có những thí nghiệm đã chứng minh rằng các sản phẩm giàu polyphenol có thể làm giảm cellulite một cách hiệu quả. Savikin và các đồng nghiệp kết luận rằng việc bổ sung nước ép trái dâu tây giàu polyphenol trong chế độ ăn uống giúp cải thiện hình thái da ở người mắc bệnh cellulite. Họ đã kiểm tra 29 phụ nữ ở độ tuổi 25-48 có hiện tượng cellulite tiêu thụ 100 mL nước ép trong 90 ngày. Kết quả cho thấy độ dày mô dưới da giảm đáng kể (trung bình 1,9 mm). Hơn nữa, chiều dài của các mô dưới da đã giảm ở 97% đối tượng. Ở những đối tượng bị phù nề lúc ban đầu, sau 45 ngày điều trị đã giảm ở 55,2% bệnh nhân, và hoàn toàn không còn phù nề sau 90 ngày ở bất kỳ cá nhân nào tham gia nghiên cứu. Các tác giả không phân tích thành phần polyphenol của nước ép, họ chỉ thực hiện phép xác định bằng thuốc thử Folin-Ciocalteu. Do đó rất khó để xác định polyphenol cụ thể nào chịu trách nhiệm chính cho hiệu ứng trên [36].
3.5) Cải thiện tình trạng da - độ ẩm và dầu nhờn
Trà xanh là loại trà được sử dụng rộng rãi nhất trong các chế phẩm mỹ phẩm giúp cải thiện tình trạng da. Việc tìm kiếm cụm từ “sản phẩm chăm sóc da trà xanh” cho hơn hàng chục loại sản phẩm khác nhau có thể sử dụng cho da. Các sản phẩm này được nhắm mục tiêu để cải thiện làn da lão hóa, điều trị bệnh trứng cá đỏ, mụn trứng cá, mụn cóc và giảm sản xuất bã nhờn. Tuy nhiên, sau khi đánh giá kỹ hơn thông tin sản phẩm, có rất ít thông tin về chế phẩm chiết xuất, nồng độ và hàm lượng hoạt chất khác nên người ta thường chấp nhận rằng 5% là nồng độ hiệu quả của chiết xuất trà xanh trong công thức mỹ phẩm. Tuy nhiên cần nhớ rằng catechin, là một trong những chất chống oxy hóa hiệu quả nhất, rất nhạy cảm với ánh sáng và oxy. Do đó chúng đòi hỏi một công thức rất cẩn thận để giữ được hoạt tính sinh học của chúng. Một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện bởi Syed và các đồng nghiệp cho thấy sự cải thiện về kết cấu và vẻ ngoài của da ở 45% tình nguyện viên sau 4 tuần thoa gel có chứa EGCG [37]. Trong một nghiên cứu lâm sàng khác, các công thức mỹ phẩm khác nhau có bổ sung 6% chiết xuất từ lá Camellia sinensis glycolic đã được áp dụng cho vùng da cẳng tay của 24 tình nguyện viên. Kết quả cho thấy sự gia tăng đáng kể độ ẩm của da, cải thiện vi mô cấu trúc da thể hiện bằng việc giảm độ thô ráp của da và tăng cường độ mịn của da (đặc biệt là sau 15–30 ngày điều trị). Các tác giả kết luận rằng trà xanh có thể là một thành phần thực vật đầy hứa hẹn của mỹ phẩm, đặc biệt là cải thiện độ ẩm và vi mô của da [38].
Một nghiên cứu giả dược mù đôi lâm sàng đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của việc bôi tại chỗ kem có chứa 10% chiết xuất trà xanh và đồng thời uống bổ sung chiết xuất trà xanh để cải thiện da [39]. 18 người dùng thực phẩm chức năng có chứa 300 mg chiết xuất trà xanh (2 lần/ngày) và thoa một phần kem trà xanh 2 lần/ngày. Trong nhóm dùng giả dược, 18 phụ nữ dùng bổ sung giả dược và kem giả dược cũng 2 lần/ngày. Tất cả các đối tượng đều sử dụng kem chống nắng và sữa rửa mặt như nhau. Nghiên cứu được thực hiện trong 8 tuần. Sau khi kết thúc, các chuyên gia da liễu khám bên ngoài cho thấy không có thay đổi thống kê về da của bệnh nhân từ cả hai nhóm. Tuy nhiên, sinh thiết da cho thấy sự cải thiện đáng kể hàm lượng mô đàn hồi ở nhóm được điều trị bằng chiết xuất trà xanh và kem trà xanh. Tuy nhiên thiết kế của nghiên cứu này không cho chúng ta xác định xem liệu hiệu quả thu được là do uống trà xanh hay bôi tại chỗ.
Các công thức mỹ phẩm làm từ trà xanh cũng rất phổ biến để giảm sự gia tăng sản xuất bã nhờn, đây là đặc điểm chính của da mặt nhờn. Bã nhờn là một hỗn hợp các lipid, chủ yếu là các este của squalene và sáp, được sản xuất bởi các tuyến bã nhờn, đặc biệt là trên da mặt và da đầu. Nội tiết tố sẽ quyết định lượng bã nhờn được sản xuất, nếu lượng bã nhờn tăng lên nhiều gây ra các rối loạn da nghiêm trọng, chẳng hạn như mụn trứng cá [6]. Thoa chiết xuất trà xanh tại chỗ có thể rất có lợi trong việc giảm sản xuất bã nhờn.
Đã có nghiên cứu lâm sàng độc lập đã chứng minh hiệu quả của nó. Meethama và các đồng nghiệp trong một nghiên cứu mù đơn, có đối chứng với giả dược đã chứng minh được hiệu quả chống bã nhờn của sản phẩm chứa trà xanh. Mỹ phẩm chứa 2%, 4,5% và 7% chiết xuất trà xanh với 100 mg polyphenol, hydroxyethyl cellulose, glycerin và panthenol. Nghiên cứu liên quan đến 20 tình nguyện viên khỏe mạnh (16 nữ và 4 nam) trong độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi. Tất cả các sản phẩm được thử nghiệm đều ổn định và không gây kích ứng da. Kết quả cho thấy hoạt động chống nhờn đáng kể của chiết xuất trà xanh. Hiệu quả tổng thể của người dùng trà xanh rõ ràng tốt hơn so với người dùng giả dược, đặc biệt chiết xuất trà xanh 7% tốt hơn rất nhiều so với 4,5% và 2% ở tất cả các khoảng thời gian. Hơn nữa, với nồng độ 7%, hiệu quả của điều trị trong 28 ngày tốt hơn đáng kể so với 14 ngày. Người ta đã tuyên bố rằng mỹ phẩm chứa chiết xuất trà xanh có thể cải thiện hiệu quả tình trạng da mặt nhờn [40].
Trong một nghiên cứu đơn đối chứng với giả dược được thực hiện bởi Mahmood và các đồng nghiệp, một nhóm gồm 22 người đàn ông khỏe mạnh đã được thử nghiệm về hiệu quả của việc bôi chiết xuất hoa sen và trà xanh đối với việc sản xuất bã nhờn trên da mặt. Các tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm: Nhóm đầu tiên sử dụng trà xanh (5%) bôi lên má và kiểm soát giả dược trên má khác. Nhóm thứ hai sử dụng kết hợp trà xanh và hoa sen (2,5% mỗi loại) trên một bên má và kiểm soát giả dược trên một bên khác. Cả hai nhóm đều phải sử dụng như thế trước khi đi ngủ trong vòng 60 ngày. Sự tiết bã nhờn được đo bằng máy đo huyết thanh ở cả hai nhóm lúc ban đầu và sau 15, 30, 45 và 60 ngày. Nghiên cứu cho thấy sự giảm sản xuất bã nhờn đáng kể ở cả hai nhóm sau 60 ngày điều trị - ở nhóm chỉ áp dụng trà xanh lượng bã nhờn giảm 27%, ở nhóm kết hợp trà xanh - hoa sen thì lượng bã nhờn giảm 25%. Nghiên cứu được thực hiện cho thấy liệu pháp thẩm mỹ chỉ sử dụng chiết xuất trà xanh cũng như sự kết hợp của chiết xuất trà xanh - hoa sen có thể là một công cụ rất hiệu quả trong việc điều trị các rối loạn da liên quan đến tăng sản xuất bã nhờn, chẳng hạn như mụn trứng cá [41].
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Mahmood và các đồng nghiệp, 10 người đàn ông khỏe mạnh từ 24–40 tuổi đã sử dụng tại chỗ mỹ phẩm có chứa 3% chiết xuất trà xanh. Thí nghiệm được tiến hành trong 8 tuần. Kết quả thu được cho thấy sự giảm sản xuất bã nhờn đáng kể trong suốt 8 tuần nghiên cứu. Hiệu quả mạnh nhất được quan sát thấy sau 8 tuần điều trị (giảm 60%). Tuy nhiên, sau tuần đầu tiên, sự cải thiện đáng kể đã được ghi nhận là 10% [42]. Cần nhấn mạnh rằng cả hai nghiên cứu nêu trên đều có những hạn chế đáng kể như cỡ mẫu nhỏ, nhóm được điều tra chỉ gồm nam giới, không có điều trị so sánh hoặc đối chứng giả dược (trong trường hợp của nghiên cứu thứ hai). Đây là những bất lợi lớn nhất của cả hai nghiên cứu này.
3.6) Cải thiện tình trạng tóc
Trà xanh cũng là loại trà được sử dụng rộng rãi nhất trong các chế phẩm mỹ phẩm giúp cải thiện tình trạng tóc. Các chế phẩm mỹ phẩm có chiết xuất từ trà được khuyến khích cho bệnh nhân rụng tóc nội tiết tố và rụng tóc do các nguyên nhân khác, không phân biệt giới tính. Sự xuất hiện của chứng rụng tóc nội tiết tố nam liên quan trực tiếp đến việc chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT) hoạt động mạnh hơn gây ra chứng hói đầu. Các nang tóc đặc biệt nhạy cảm với DHT, giúp rút ngắn giai đoạn anagen của chu kỳ phát triển tóc. Kết quả là, hầu hết tóc chuyển sang giai đoạn telogen, được đặc trưng bởi quá trình thu nhỏ nang và giảm chân tóc khiến cho tóc mới mọc yếu hơn, mỏng hơn, ngắn hơn. Sau một vài chu kỳ, chúng ngừng phát triển và mình có thể quan sát thấy rụng tóc [25]. Trong một số nghiên cứu, polyphenol trong trà, tinh dầu và caffeine có trong lá trà ức chế hoạt động của 5α-reductase, dẫn đến giảm sự hình thành DHT [42]. Các hợp chất này cũng kích thích chân tóc và kéo dài giai đoạn phát triển của tóc (giai đoạn anagen) [28]. Vì vậy, thành phần của trà là thành phần quan trọng của mỹ phẩm chăm sóc tóc và da đầu, đặc biệt được khuyên dùng cho những người có mái tóc quá nhờn và nhiều gàu [6,29]. Fischer và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu trong ống nghiệm, cho thấy rằng việc sử dụng bên ngoài caffeine với nồng độ 0,001% và 0,005% dẫn đến kích thích đáng kể sự phát triển của nang tóc ở người. Người ta kết luận rằng caffeine làm giảm sức căng của cơ trơn gần nang tóc và làm tăng đáng kể việc cung cấp chất dinh dưỡng thông qua vi tuần hoàn của tóc [43].
Polyphenol trong trà xanh đã được chứng minh là cải thiện đáng kể tình trạng rụng tóc ở chuột. Một nhóm 30 con chuột được cho ăn 50% chiết xuất polyphenol từ trà xanh (thêm vào nước uống của chúng) trong sáu tháng, trong khi nhóm đối chứng được uống nước bình thường. Cả hai nhóm đều nhận được cùng một chế độ ăn như nhau. Nghiên cứu cho thấy sự cải thiện đáng kể về sự phát triển của lông so với nhóm đối chứng [44]. Một trong những catechin chính có trong chiết xuất trà xanh - EGCG đã được chứng minh là chất ức chế 5α-reductase và aromatase mạnh [45]. Thực tế này có thể giải thích hiệu quả của việc sử dụng polyphenol trong trà xanh để điều trị chứng rụng tóc nội tiết tố nam chủ yếu liên quan đến việc tăng hoạt động của cả hai loại enzym này. Cơ chế như vậy đã được chứng minh bởi Kwon và các đồng nghiệp, họ đã đánh giá hiệu quả của EGCG đối với sự phát triển của tóc ở người. Nghiên cứu cho thấy EGCG kích thích sự phát triển của tóc trong quá trình nuôi cấy nang tóc và sự gia tăng của các tế bào. Hơn nữa, EGCG thúc đẩy sự phát triển của tóc trong cơ thể người. Người ta kết luận rằng EGCG kích thích sự phát triển của tóc thông qua tác dụng tăng sinh kép và chống rụng tóc [45]. Tất cả các thí nghiệm được đề cập ở trên đã chứng minh tính thực tế của chiết xuất trà trong việc tạo ra các loại mỹ phẩm hữu ích, giúp cải thiện vẻ ngoài của làn da, tình trạng và sự phát triển của tóc.
IV) Sự thẩm thấu qua da của các thành phần
Hiệu quả của công thức mỹ phẩm tương quan chặt chẽ với khả năng thẩm thấu qua da của các thành phần hoạt tính của nó. Một trong những yếu tố điều hòa sự thâm nhập quan trọng nhất là tính phân cực của các thành phần. Từ tất cả các catechin đơn giản có trong chiết xuất trà, EGC được coi là phân tử ưa nước nhất, trong khi ECG được đặc trưng bởi độ phân cực nhỏ nhất [46]. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Dal Belo và các đồng điều tra [26] tiết lộ rằng, sau khi bôi kem chiết xuất trà xanh tại chỗ, EGCG được giữ lại đáng kể trong da, chủ yếu ở lớp sừng, tiếp theo là biểu bì và hạ bì. Điều này cho thấy đặc tính không phân cực của EGCG, các hợp chất không phân cực có xu hướng nằm trong lớp sừng và không thâm nhập vào các phần sâu hơn của da [47].
Caffeine, một thành phần hoạt động rất quan trọng trong trà cũng được nghiên cứu. Một nghiên cứu trong ống nghiệm được thực hiện bởi Van de Sandt và cộng sự [48] cho thấy rằng tốc độ hấp thụ tối đa của caffeine qua da người là 2,24 ± 1,43 µg/cm2/h. Các tác giả cũng đã chứng minh rằng sự hấp thụ tối đa của alkaloid này đạt được 100 phút sau khi bôi qua da ở da người [49]. Khả năng xâm nhập của caffeine từ các chế phẩm mỹ phẩm khác nhau qua hàng rào bảo vệ da là khác nhau và có tương quan đáng kể với loại nhũ tương bôi trên da [72]. Sự thẩm thấu của nó chủ yếu phụ thuộc chủ yếu vào công thức được áp dụng chứ không phụ thuộc vào nồng độ của caffeine trong công thức mỹ phẩm [50]. Một cách hiệu quả để chuyển caffeine qua hàng rào da là dựa trên việc áp dụng các vi cầu trong huyền phù nước (đường kính của các vi cầu: 2,8 µm, tải lượng caffeine: 2,3 mg/g hạt). Công thức như vậy đã cải thiện việc truyền caffein qua da, vì các vi cầu dễ dàng xuyên qua hàng rào da và tập trung trong ngăn thụ thể, giúp giải phóng alkaloid liên tục [51]. Cần nhớ rằng sự thẩm thấu không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của chiết xuất trà hoặc nồng độ của caffeine, mà phụ thuộc chủ yếu là vào thành phần của công thức mỹ phẩm.
V) Kết luận và quan điểm
Lá cây chè là nguồn cung cấp catechin dồi dào nhất trong số các loại thực vật và cung cấp caffeine - một alkaloid purin có ý nghĩa thẩm mỹ cao. Việc sử dụng chiết xuất trà xanh trong mỹ phẩm gần đây đang rất được quan tâm do thực tế là nó không có bất kỳ tác dụng gây dị ứng hoặc kích ứng nào khi sử dụng tại chỗ. Những lợi ích của chiết xuất trà xanh có thể kể đến là chống lão hóa, chăm sóc da, chăm sóc tóc và các đặc tính giảm béo, kiểm soát dầu nhờn... Các thành phần của nó cũng có hiệu quả trong việc tăng cường vi tuần hoàn da và bảo vệ quang chống lại các tác hại của bức xạ UV.
Các tác dụng sinh học của chiết xuất trà xanh đã được nêu cụ thể ở trên làm sáng tỏ việc ứng dụng chiết xuất này trong mỹ phẩm, ngoài ra còn được sử dụng rất nhiều trong dược phẩm nữa nha. Cụ thể là:
- Đặc tính chống oxy hóa: Polyphenol trong trà có khả năng bảo vệ, chống lại các gốc tự do và phục hồi hàm lượng protein quan trọng chịu trách nhiệm về độ đàn hồi của da.
- Hoạt động bảo vệ quang: Khi uống hoặc bôi tại chỗ chiết xuất trà và các thành phần hoạt tính của nó, sẽ có tác dụng bảo vệ da chống lại tia UV một cách hiệu quả.
+ Đường uống: 540 mL chiết xuất trà xanh đã ức chế đáng kể tổn thương do UV gây ra đối với các tế bào máu ngoại vi.
+ Đường bôi: 4% chiết xuất trà xanh làm giảm đáng kể tổn thương do tia UV gây ra trong tế bào sừng.
- Giảm lượng mỡ, ngăn ngừa tình trạng da sần vỏ cam (cellulite):
+ Đường uống: Tiêu thụ 600–900 mg polyphenol trong trà mỗi ngày (tương đương với 3-4 tách trà xanh) làm giảm đáng kể tổng lượng mỡ bụng, giảm triglyceride trong huyết thanh, tăng tiêu hao năng lượng, oxy hóa chất béo và cải thiện sự bài tiết lipid trong phân.
+ Đường bôi: 3,5% caffeine và xanthenes nền nước có hiệu quả trong việc điều trị cellulite, giảm mỡ đùi và mặt trong của cánh tay trong khoảng 6 tuần.
- Kiểm soát dầu nhờn và độ ẩm trên da: Chiết xuất trà xanh trong mỹ phẩm có nồng độ từ 3% - 7% có thể cải thiện hiệu quả tình trạng da mặt nhờn, bã nhờn giảm sản xuất đáng kể sau 14 - 28 ngày thử nghiệm, đặc biệt là cải thiện được độ ẩm và vi mô của da, giảm độ thô ráp của da và tăng cường độ mịn của da.
- Kích thích sự phát triển của tóc: EGCG kích thích sự phát triển của tóc thông qua tác dụng tăng sinh kép và chống rụng tóc. Caffeine với nồng độ 0,001 - 0,005% kích thích đáng kể sự phát triển của nang tóc ở người, làm giảm sức căng của cơ trơn gần nang tóc và làm tăng đáng kể việc cung cấp chất dinh dưỡng thông qua vi tuần hoàn của tóc.
- Tính thấm qua da của thành phần hoạt tính trong trà: Cần nhớ rằng sự thẩm thấu không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của chiết xuất trà hoặc nồng độ của caffeine, mà phụ thuộc chủ yếu là vào thành phần của công thức mỹ phẩm. Vì vậy cần quan tâm đầu tư nghiên cứu các công nghệ mới để thành phần hoạt động tốt hơn.